<blockquote>
Gã bố "hờ" bị cảnh sát "ốp" lên xe, đưa về nhiệm sở vào
lúc sáng sớm. Gã chỉ kịp ném về phía tôi mấy lời hăm dọa, rồi gườm gườm
nhìn tôi bằng đôi mắt đầy thù hận.
“Bão” sau song sắtThoạt đầu, Hồng Anh rất cẩn trọng. Mỗi khi có tiếng xe máy vọng về từ
đầu ngõ, nó lại đưa ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu - "Suỵt". Nó khẩn
khoản: "Cô đứng yên đây, chờ con một tí thôi nhé!". Nói đoạn, cô bé khẽ
khàng lần mò từng bước xuống chiếc cầu thang tối um. Cô bé luôn đề phòng
ai đó biết được nó đang nói chuyện với chúng tôi qua cửa sổ.
Với chúng tôi, Hồng Anh thực sự "lõi đời" hơn nhiều so với một đứa trẻ 4
tuổi. Nó kể: "Ngoài tên là Oanh, mẹ đẻ của con còn tên là Hạnh "cò lả".
Mẹ Hà, bố Đạt, chỉ là bố mẹ nuôi của con thôi”. Tôi hỏi: "Hồng Anh có
biết mẹ con đi đâu không?". Cô bé đáp: "Mẹ Hạnh ở ngoài phường ấy! Chú
công an bắt mẹ con rồi cô ạ!".
Khao khát tự do của bé gái 4 tuổi... Tôi hỏi vì sao? Cô bé trả lời ráo hoảnh: "Vì mẹ con bán thuốc phiện".
Thậm chí nó tin rằng mẹ nó vẫn ở phường, từ dạo bị bắt đến nay. Tôi bảo:
"Con bật điện lên cho sáng, như thế sẽ thấy vui hơn đấy!". Hồng Anh
tròn mắt, huơ huơ 2 bàn tay nhỏ xíu lên không trung và lắc đầu lia lịa,
nó nói: "Không được đâu cô ơi! Con mà bật lên thì bố Đạt sẽ đánh đòn con
đau lắm".
Chúng tôi đã nói chuyện với cô bé trong bóng tối suốt 3 tiếng đồng hồ,
cuối cùng cô bé cũng đi đến chiếc công tắc điện gần đó... Ánh sáng bừng
lên, trước mắt chúng tôi, một căn phòng bừa bộn hiện ra.
Ngoài 2 chiếc đệm ngổn ngang quần áo, lộn xộn đồ đạc, có cả vỏ bao cao
su, đầu mẩu thuốc lá và khá nhiều rác rưởi... Hồng Anh bảo: "Đây là
phòng của cô Minh, cô Giang và cô Ly". Tôi chợt nhớ Đại uý Hồ Ngọc Lưu
(CSKV Công an phường Định Công) từng nói: "Những thành viên nữ về ngôi
nhà này ngủ vào ban ngày, đi làm từ đêm tới sáng".
Gần 1h đêm, Hồng Anh giúi vào tay tôi chiếc chìa khoá hỏng. Nó bảo: "Cô
ơi, bây giờ cô xuống mở cửa cho con ra ngoài kia với cô một lát, rồi cho
con ra phường để tìm mẹ Hạnh, con nhớ mẹ quá!".
Bé Hồng Anh co rúm người lại khi đèn được bật sáng
trong toilet. Chiếc chìa khoá xe máy đã gãy, làm sao có thể giải thoát được cho cô bé
đáng thương đây? Không thể nhờ chúng tôi mở cửa, cô bé đã khóc oà lên,
nó kêu cứu thảm thiết. Bé Hồng Anh đu lên chiếc cửa sổ vốn cao hơn so
với thân hình nhỏ nhoi của nó. Cô bé ngửa cổ lên, tôi càng thấy rõ: môi
trên của nó sưng vểu ra, dập nát bên trong, sát chân răng, máu tươi vẫn
còn rớm rỉ.
Sợ chúng tôi đi thật, nó đòi chui qua cái song sắt bé tẹo, đôi tay nó
chuyển màu đỏ thậm. Có lẽ bởi con bé đã dồn hết sức lực mà mình có để đu
lên bậu cửa. Nó muốn ngay lập tức có thể trèo ra ngoài với những người
mới quen. Chúng tôi bất lực, song sắt quá nhỏ, hơn nữa bức tường kiên
cố. Sự khát khao tự do dường như đã bừng lên đầu một đứa trẻ tội nghiệp
bị giam hãm lâu ngày.
Gần sáng, cô bé ngủ thiếp đi trên chiếc đệm được kê gần cửa sổ tầng 3.
Xung quanh, bóng đêm vẫn bao trùm xóm nhỏ. Bất chợt, Hồng Anh thảng thốt
bật dậy hỏi: "Cô còn đó không?". Tôi vội vàng: "Có, cô vẫn ở đây!". Bé
lại chìm dần vào giấc ngủ say, hiền lành như một thiên thần nhỏ. Chúng
tôi lặng lẽ kéo tấm kính chắn gió bên ngoài khung cửa và thu dọn "đồ
nghề".
Mấy hôm rồi, những chiếc máy quay, máy ảnh và máy ghi âm... của chúng
tôi cũng cần được trở về nhà để nạp năng lượng.
Giải thoát...
Hơn 6h sáng, tôi trở lại "hiện trường". Những tiếng huỳnh huỵch vọng ra
từ nhà Hồng Anh làm tôi sửng sốt. Bùi Văn Đạt lại bắt đầu "công việc
hàng ngày" của gã: Đánh con bé. Tôi cuống cuồng tìm số điện thoại, gọi
cho Thượng tá Nguyễn Văn Thặng, Trưởng Công an phường Định Công, Hoàng
Mai, Hà Nội. Anh Thặng trấn an: "Nhà báo cứ bình tĩnh xử trí công việc,
chỉ khoảng 5 phút thôi là anh em chúng tôi sẽ có mặt tại hiện
trường...".
Vì mệt mỏi, sợ hãi, bé Hồng Anh thiếp đi trong vòng
tay của PV tại trụ sở CA phường. Tôi loay hoay tìm vị trí phát ra tiếng kêu khóc, la hét. Như thường lệ,
tên bố "hờ" vẫn khoá chặt cửa mỗi khi "xử" cô bé tội nghiệp. Tôi phát
hiện, dưới tầng trệt ngôi nhà, có những tiếng va đập rất mạnh, rung động
cả những tấm kính chắn gió ở toilet.
Hồng Anh vừa khóc lóc, vừa van nài: "Bố ơi con đau lắm, con van bố, con
xin bố, lần sau con không ăn nữa". Tên bố "hờ" gằn lên điên loạn: "Á,
mày van à, mày xin à, mày ăn à?". Mỗi lời đay nghiến của hắn, đều kèm
theo tiếng huỵch rất mạnh. Tôi chỉ kịp cài lại chiếc máy ghi âm lên lỗ
thông gió, ghi lại những âm thanh đau đớn của cuộc bạo hành.
Không có tiếng can ngăn nào, thể hiện sự có mặt của người khác trong
ngôi nhà. Tên bố "hờ" mặc sức tung hoành, tiếng kêu của cô bé nghèn
nghẹn, ngắc ngứ trong cổ họng. Hẳn là gã bố "hờ" đang chơi trò thường
ngày với cô bé: Bóp cổ. Xót ruột quá, tôi lấy viên gạch đập vào bức
tường gần nhất, nơi phát ra tiếng kêu và lên tiếng: "Hồng Anh ơi! Đừng
sợ, cô ở ngoài này!". Tên bố "hờ" dừng lại, hắn dỏng tai nghe ngóng xem
ai đã gọi tên con bé? Cho đến khi hắn nghe rõ tôi gào lên: "Anh kia,
dừng lại ngay, anh định đánh chết con bé hay sao?".
Hắn dừng hẳn, nhưng không hiểu hắn đã làm gì nữa, mà tiếng khóc của cô
bé cũng im bặt. Đại uý Lưu cùng một trinh sát hình sự có mặt, yêu cầu
tên Đạt mở cửa. Hắn bảo với anh Lưu: "Cháu không có chìa khoá nhà đâu
chú ạ! Nhưng trước thái độ kiên quyết của hai chiến sĩ cảnh sát, tên bố
"hờ" buộc phải lấy chìa khóa, mở cửa đón chúng tôi vào.
Đại uý Lưu hỏi: "Những người xung quanh tố cáo anh hành hung con nuôi,
đề nghị anh cho chúng tôi kiểm tra". Tên bố "hờ" cãi: "Đâu mà, nhà cháu
làm gì có trẻ con? Không tin các chú lên đây mà xem".
Hắn toan dẫn 2 viên cảnh sát lên tầng 2, tầng 3 để đánh lạc hướng mọi
người. Hắn đã đi được 1/2 chiếc cầu thang quanh co. Tôi bảo: "Bé Hồng
Anh bị đánh trong toilet tầng 1, đề nghị các anh kiểm tra". Chúng tôi đi
vào phía tối nhất của ngôi nhà, bật đèn toilet lên thì thấy bé Hồng Anh
đang đứng run cầm cập. Nó sợ đến nỗi thấy ánh sáng là co rúm người lại.
Tôi gọi bé: "Cô là người nói chuyện với con đêm qua đây". Cô bé ngước
lên, mấy giây sau mới định thần lại được và đưa tay cho chúng tôi dắt ra
ngoài. Điều bất ngờ nhất là sáng hôm đó, 4 người phụ nữ cùng sống trong
ngôi nhà này đã chứng kiến tên bố "hờ" đánh đập, bóp cổ con bé rất dã
man, mà không hề can gián. Khi bị áp giải về phường, Bùi Văn Đạt nhìn
tôi với anh mắt căm hờn...</blockquote>