35 năm sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, người Việt Nam hiện đang rất lạc quan về tương lai, tin tưởng vào thị trường tự do và có cái nhìn khoan dung về chiến tranh - Đó là kết luận sau một cuộc thăm dò của hãng thông tấn AP.
Người Việt Nam đang tin tưởng vào tương lai của đất nước sau 35 năm giải phóng. Cuộc thăm dò mới của hãng thông tấn Associated Press-GfK, một trong những cuộc khảo sát công phu nhất về đánh giá hiện nay của người Việt Nam, đã cho cho thấy cuộc sống ở Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng như thế nào. Dưới sự dẫn dắt chính phủ, đảng Cộng sản, Việt Nam đã có những cải cách theo huynh hướng thị trường, và đưa được hàng chục triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói.
85% người được hỏi cho biết nền kinh tế đang mạnh hơn so với 5 năm trước và 87% cho biết Việt Nam thậm chí sẽ mạnh hơn trong vòng 5 năm tới. Hầu hết mọi người tin tưởng đất nước đang đi đúng hướng.
Sự lạc quan đó đối lập với sự bi quan đang lan rộng khắp Mỹ hiện nay, nơi mà nhiều người cho rằng đất nước đang đi sai đường.
“Đất nước đã thay đổi rất nhiều kể từ khi kết thúc chiến tranh, khiến mọi người khó mà tưởng tượng được”, Luong Trung Thanh, 72 tuổi, một giáo viên về hưu ở Hà Nội cho biết. “Đất nước thay đổi mỗi ngày, ngay trước mắt bạn. Các tòa nhà cao tầng mọc lên khắp mọi nơi”.
Khi chiến tranh kết thúc vào ngày 30/4/1975, nạn đói lan rộng. Nhưng 2 thập kỷ sau đó, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, đất nước 86 triệu dân ở Đông Nam Á này bắt đầu phát triển mạnh mẽ.
Trong suốt một thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình trên 7%/năm và số người phải sống trong đói nghèo giảm mạnh. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 400USD vào năm 2000 lên tới 1.000USD. Riêng ở 2 thành phố lớn, thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, thu nhập tăng gần gấp đôi .
“Tôi có một tương lai tươi sáng”, Ho Thu Thao, một học sinh trung học 17 tuổi ở Hà Nội cho biết. “Với tôi, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn thế hệ của bố mẹ tôi. Kinh tế Việt Nam hiện đang đi đúng hướng”.
Tại một cửa hàng ở trung tâm Hà Nội, máy ảnh kỹ thuật số, iPods và các thiết bị công nghệ cao khác tràn ngập. Cửa hàng cũng đã có iPad trên giá bán.
“Nền kinh tế phát triển hơn nhiều so với 5 năm trước”, người bán hàng có tên Tran Anh Diep cho biết. “Mọi người có nhiều tiền hơn và họ có thể mua nhiều hơn. Tôi bán được khoảng từ 20-25 chiếc iPod mỗi tuần”.
“20 năm trước, người Việt Nam lo lắng về cơm ăn, áo mặc cho gia đình họ”, Nguyen Tran Bat, chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh Investconsult Group cho biết. “Giờ mọi người không còn lo về kế mưu sinh mà lo nâng cao chất lượng cuộc sống của họ”.
“Mọi người đã chứng kiến sự phát triển của Việt Nam và thấy được nhiều thành tựu từ việc mở cửa kinh tế”, Pham Chi Lan, cựu phó chủ tịch Phòng công thương Việt Nam cho biết.
Còn về chiến tranh, bà cũng cho biết: “Người Việt Nam có truyền thống khoan dung và nhìn về tương lai hơn về quá khứ”.